Bản Tin Tài Chính Ngày 21.02.2022 | Cộng Đồng Forex Việt | Cộng Đồng Forex Việt

Bản Tin Tài Chính Ngày 21.02.2022

Căng thẳng gia tăng giữa Nga và Phương Tây về vấn đề Ukraine, cùng những đồn đoán về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ là những yếu tố được giới đầu tư quan tâm trong tuần này. Mối lo ngại về lạm phát gia tăng tại Mỹ cũng là mối bận tâm lớn của thị trường, khi các số liệu lạm phát chủ chốt của Mỹ và kết quả kinh doanh của các nhà bán lẻ hàng đầu được công bố. Ngoài ra, những diễn biến của giá dầu và các dữ liệu kinh tế của Anh, Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng sẽ là các yếu tố có thể tạo ra nhiều tác động.

>> Bản tin tài chính ngày 21.02.2022

Các yếu tố bất ổn
Các nhà đầu tư được dự báo sẽ phải đối mặt với một tuần lễ đầy biến động nữa, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Nga và Phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraine, làm gia tăng nhu cầu đối với các tài sản trú ẩn an toàn.

Bên cạnh đó, sự không chắc chắn về động thái chính sách tiếp theo của FED cũng có thể ảnh hưởng lớn đến giá cổ phiếu.

FED đã phát đi tín hiệu về việc sẽ tăng lãi suất sau cuộc họp chính sách vào giữa tháng 3 tới để ứng phó với tỷ lệ lạm phát đã vượt mức mục tiêu 2%, và đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 40 năm qua. Tuy nhiên, cơ quan này hiện vẫn chưa cho biết, lộ trình tăng lãi suất cụ thể sẽ như thế nào.

Chủ tịch FED chi nhánh St. Louis James Bullard đã kêu gọi FED cần thực hiện các bước đi mạnh mẽ để kiềm chế lạm phát, trong khi người đứng đầu FED chi nhánh New York John Williams lại cho rằng, ngân hàng trung ương Mỹ không cần bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất với mức tăng quá lớn.

“Đây là một thị trường đang hoang mang, bối rối về vấn đề Ukraine hay mức độ tăng lãi suất của FED, mà lại bỏ qua rất nhiều báo cáo kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp trong quý IV,” Tim Ghriskey – chiến lược gia danh mục đầu tư cao cấp tại Ingalls & Snyder nhận xét với Reuters.

  1. Các dữ liệu kinh tế Mỹ

Giữa những đồn đoán về khả năng FED sẽ tăng lãi suất thêm nửa điểm % trong tháng 3, các dữ liệu về chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Mỹ sẽ được theo dõi sát sao.

Chỉ số giá PCE trong tháng 1, vốn được coi là thước đo lạm phát ưa thích của FED, được dự báo sẽ tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số PCE cốt lõi, không bao gồm giá thực phẩm và nhiên liệu cũng được dự báo sẽ tăng 5,2%.

Ngoài ra một số dữ liệu kinh tế quan trọng khác của Mỹ trong tháng 1 cũng sẽ được công bố, bao gồm dữ liệu về tâm lý người tiêu dùng, số lượng nhà đã bán đang chờ xử lý va cả báo cáo về số lượng đơn đặt hàng lâu bền.

Giới đầu tư cũng sẽ dành sự chú ý đối với bài phát biểu của một số quan chức FED bao gồm chủ tịch FED chi nhánh Richmond – ông Tom Barkin, chủ tịch FED cho nhánh San Francisco – bà Mary Daly, Chủ tịch FED cho nhánh Cleveland – Loretta Mester và Thống đốc FED Christopher Waller.

  1. Doanh số bán lẻ Mỹ

Với việc hoạt động bán lẻ tại Mỹ trong tháng 1 tăng mạnh trở lại, doanh số của các hãng bán lẻ lớn sẽ được phân tích kỹ lưỡng để tìm ra các dấu hiệu cho thấy, tỷ lệ lạm phát cao đang ảnh hưởng đến chi tiêu như thế nào. Bất chấp sự phục hồi của doanh số bán lẻ, tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất thập kỷ trong những tháng gần đây, làm dấy lên lo ngại về việc đà phục hồi kinh tế có thể bị đình trệ.

Home Depot (NYSE: HD), Lowe’s (NYSE: LOW), Macy’s (NYSE: M) và Foot Locker (NYSE: FL) nằm trong số những công ty sẽ công bố báo cáo kinh doanh quý IV/2021 trong tuần này. Các công ty khác cũng sẽ công bố báo cáo thu nhập bao gồm Anheuser Busch Inbev (NYSE: BUD), Alibaba (NYSE: BABA), Caesars Entertainment (NASDAQ: CZR), Krispy Kreme (NASDAQ: DNUT) và Beyond Meat (NASDAQ: BYND).

Các nhà đầu tư cũng sẽ xem xét cách các công ty này ứng phó với sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, cũng như quan điểm của họ về lạm phát.

  1. Giá dầu

Giá dầu có thể ghi nhận những biến động trái chiều, khi các nhà giao dịch năng lượng cân nhắc các tác động từ cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine hay triển vọng tăng xuất khẩu dầu của Iran.

Lo ngại về việc nguồn cung có thể bị gián đoạn do các lệnh trừng phạt của Phương Tâu nhắm vào Nga, đã hỗ trợ đà đi lên của giá dầu, vốn đã được củng cố bởi nhu cầu phục hồi từ đại dịch.

Giá dầu thô của Mỹ đang dao động quanh mức 91 USD/thùng và đã có thời điểm đạt mức cao nhất kể từ năm 2014, trong khi giá dầu Brent, tiêu chuẩn toàn cầu, cũng ở gần mức cao nhất trong 7 năm.

Giá dầu cao hơn đang góp phần làm lạm phát tăng vọt, làm gia tăng lo ngại rằng FED sẽ cần phải mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế giá tiêu dùng.

Các nhà đầu tư cũng sẽ có cơ hội đo lường tác động của giá dầu cao hơn đối với thu nhập của các công ty năng lượng trong tuần này khi Occidental Petroleum (NYSE: OXY), EOG Resources (NYSE: EOG), NRG Energy (NYSE: NRG), Chesapeake Energy (NYSE) : CHK) và Coterra Energy (NYSE: CTRA) lần lượt công bố báo cáo hàng quý.

  1. Dữ liệu PMI của Anh và Eurozone

Vương quốc Anh và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ công bố dữ liệu PMI của tháng 2 vào ngày thứ Hai đầu tuần. Chỉ số môi trường kinh doanh Ifo của Đức được công bố vào thứ Ba cũng sẽ được nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ.

Các dấu hiệu tích cực về sự phục hồi kinh tế có thể khuyến khích các ngân hàng trung ương nhanh chóng rút lại các biện pháp kích thích kinh tế trong thời kỳ hậu đại dịch.

Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) hiện đang trên đà tăng lãi suất một lần nữa vào tháng 3 trong khi các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn đang tranh luận về việc liệu có cần nâng lãi suất trong năm nay để hạn chế lạm phát hay không.

Thống đốc BOE Andrew Bailey cùng với một số nhà hoạch định chính sách sẽ xuất hiện trước Ủy ban Tài chính của Quốc hội Anh vào ngày thứ Tư để trả lời các câu hỏi về lạm phát và triển vọng kinh tế.

Trong khi đó, một số quan chức của ECB sẽ xuất hiện trong tuần này, bao gồm Phó Chủ tịch Luis de Guindos và thành viên Ban điều hành Isabel Schnabel.

Chứng khoán

Các chỉ số sau phiên 18/02

Chỉ số quan trọngĐiểmThay đổi so với phiên trướcThay đổi trong 5 phiênThay đổi trong 1 tháng
S&P 500 (Mỹ)4.348,87-0,72%-1,58%-1,12%
NASDAQ (Mỹ)13.548,07-1,23%-1,76%-1,60%
DOW JONES (Mỹ)34.079,18-0,68%-1,90%-0,54%
DAX (Đức)15.042,51-1,47%-2,48%-3,60%
NIKKEI 225 (Nhật Bản)27.122,07-0,41%-2,07%-1,45%
SHANGHAI COMPOSITE (Trung Quốc)3.490,76+0,66%+0,80%-0,90%
HANG SENG (Hong Kong)24.327,71-1,88%-2,32%-2,55%
 
Top Bottom