Bản tin tài chính tuần 04 – 08/04/2022 | Cộng Đồng Forex Việt | Cộng Đồng Forex Việt

Chia sẻ Bản tin tài chính tuần 04 – 08/04/2022

  1. Biên bản cuộc họp tháng 3 của FED

Biên bản cuộc họp tháng 3 của FED được công bố trong ngày thứ Tư sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin mới nhất về quan điểm của giới chức FED đối với triển vọng chính sách tiền tệ. Hồi tháng trước FED đã nâng lãi suất lần đầu tiên sau 3 năm, với mức tăng 0,25 điểm %. Đây là bước đầu tiên trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, nhằm kiểm chế tỷ lệ lạm phát hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 4 thập kỷ qua. Kể từ sau cuộc họp hồi tháng 3, Chủ tịch FED Jerome Powell và nhiều quan chức FED đã phát đi tín hiệu về việc họ sẵn sàng tăng lãi suất mạnh tay hơn nữa để ngăn chặn lạm phát cao trong thời gian dài.

Những số liệu ổn định của thị trường việc làm vừa được công bố hôm thứ Sáu tuần trước, được kỳ vọng sẽ mở đường cho việc FED tăng lãi suất ở mức nửa điểm % tại cuộc họp tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 4/5.

Một số quan chức FED cũng sẽ có bài phát biểu trong tuần này, bao gồm Thống đốc FED Lael Brainard, Chủ tịch FED chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari, Chủ tịch FED chi nhánh New York John Williams và Chủ tịch FED chi nhánh St. Louis James Bullard.

  1. Những tín hiệu cảnh báo trên thị trường trái phiếu

Đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ một lần nữa đã đảo ngược trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu tuần trước sau khi các số liệu tích cực trên thị trường việc làm càng củng cố kỳ vọng về việc FED sẽ mạnh tay hơn trong việc tăng lãi suất.

Khi đường cong lợi suất này đảo ngược, trái phiếu ngắn hạn hơn sẽ mang lại lợi suất cao hơn so với trái phiếu kỳ hạn dài hơn. Hiện tượng này thường được coi là dấu hiệu báo trước các cuộc suy thoái kinh tế trong quá khứ.

Thị trường chứng khoán dường như đã giảm bớt những lo ngại về việc chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và những bất ổn từ cuộc chiến tại Ukraine có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, các nhà đầu tư trái phiếu dường như đang có cái nhìn bi quan hơn.

Dẫu vậy, một số nhà phân tích vẫn cho rằng, độ tin cậy trong việc coi hiện tượng đường cong lợi suất trái phiếu đảo ngược là dấu hiệu của suy thoái kinh tế đã giảm xuống, đặc biệt là khi các chương trình mua trái phiếu khổng lồ của FED đang kìm hãm các lợi tức dài hạn.

  1. Sự biến động của giá dầu

Cả dầu thô Brent và dầu WTI đều kết thúc tuần giao dịch trước với mức giảm 13% – mức giảm theo tuần lớn nhất trong vòng 2 năm qua, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố xả kho 1 triệu thùng dầu/ngày trong vòng 6 tháng, kể từ tháng 5 tới. Đây là đợt xả kho lớn nhất từ trước tới nay từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ (SPR).

Trước đó, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã khiến giá dầu tăng khoảng 30% trong quý I/2022, khiến chi phí năng lượng tăng cao trở thành động lực chính của lạm phát.

Các nhà phân tích trên thị trường năng lượng hiện đang tỏ ra nghi ngờ về khả năng thành công trong kế hoạch ổn định thị trường của Washington. Chuyên gia Ed Moya tại sàn giao dịch trực tuyến OANDA nhận định “Việc xả kho 1 triệu thùng dầu/ngày từ SPR trong 6 tháng tới sẽ không có tác động lâu dài đến giá dầu. Vì vậy, nếu rủi ro địa chính trị tiếp tục leo thang, giá dầu sẽ tăng trở lại, bù đắp cho những sự sụt giảm trong tuần vừa qua.”

  1. Các dữ liệu kinh tế đáng chú ý tại Mỹ

Bên cạnh biên bản cuộc họp của FED, giới đầu tư cũng sẽ chú ý tới chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Mỹ do Viện quản lý chuỗi cung ứng (ISM) công bố vào ngày thứ Ba.

Các chuyên gia kinh tế đang kỳ vọng, chỉ số này sẽ phục hồi từ mức thấp nhất của 12 tháng qua là 56,5 điểm lên 58 điểm trong tháng 3. Ảnh hưởng của làn sóng dịch COVID-19 do biến thể Omicron và nỗi lo lạm phát tăng vọt đã khiến chỉ số này giảm từ mức cao kỷ lục là 69,1 trong tháng 12/2021.

Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ công bố các dữ liệu kinh tế đáng chú ý như số lượng đơn đặt hàng tại các nhà máy, số đơn đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu và số liệu về cán cân thương mại.

  1. Động thái của các ngân hàng trung ương lớn

Giới đầu tư sẽ dành nhiều sự quan tâm đối với biên bản cuộc họp tháng 3 của ECB và cả cuộc họp chính sách sắp diễn ra vào ngày 14/4. Hồi tháng trước, ECB đã khiến thị trường một phen bất ngờ khi thông báo đang đẩy nhanh kế hoạch rút bớt các biện pháp kích thích kinh tế.

Kể từ đó tới nay, các dữ liệu cho thấy, lạm phát tại Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã đạt mức cao kỷ lục là 7,5% trong tháng 3, làm gia tăng áp lực buộc ECB phải hành động để kiềm chế lạm phát, ngay cả khi tăng trưởng kinh tế của khối đang chậm lại vì tác động của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine.

Trong một diễn biến khác, Ngân hàng trung ương Australia được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách vào ngày thứ Ba. Ngân hàng trung ương Canada dự kiến sẽ công bố kết quả khảo sát triển vọng kinh tế của mình trong tuần này.

Chứng khoán

Các chỉ số sau phiên 01/04

Chỉ số quan trọngĐiểmThay đổi so với phiên trướcThay đổi trong 5 phiênThay đổi trong 1 tháng
S&P 500 (Mỹ)4.545,86+0,34%+0,06%+5,01%
NASDAQ (Mỹ)14.261,50+0,29%+0,65%+7,12%
DOW JONES (Mỹ)34.818,27+0,40%-0,12%+3,58%
DAX (Đức)14.446,48+0,22%+0,98%+10,32%
NIKKEI 225 (Nhật Bản)27.665,98-0,56%-1,72%+6,47%
SHANGHAI COMPOSITE (Trung Quốc)3.282,72+0,94%+2,19%-4,78%
HANG SENG (Hong Kong)22.039,55+0,19%+2,97%+0,61%

>> https://www.investo.vn/chung-khoan/ban-tin-tai-chinh-tuan-04-08-04-2022/

5 cổ phiếu thay đổi nhiều sau phiên 01/04

Cổ phiếuThay đổiGiá hiện tại
FedEx Corporation (FDX)-4,38%221,25 USD
QUALCOMM Incorporated (QCOM)-3,81%146,99 USD
Philip Morris International Inc. (PM)+3,02%96,78 USD
Intel Corporation (INTC)-2,93%48,11 USD
Moderna, Inc. (MRNA)+2,51%176,59 USD
 
Top Bottom