Bản tin tài chính tuần 28/03 – 01/04/2022 | Cộng Đồng Forex Việt | Cộng Đồng Forex Việt

Chia sẻ Bản tin tài chính tuần 28/03 – 01/04/2022

Tổng hợp tin tức cho tuần 28/03 – 01/04 hãy cùng Investo.vn cập nhật nhanh bản tin thị trường chứng khoán quốc tế ngày hôm nay. Những sự kiện nổi bật nào sẽ được nhắc đến trong ngày giao dịch?

Giới đầu tư sẽ tập trung sự chú ý vào báo cáo việc làm tháng 3 của Mỹ, dự kiến sẽ được công bố vào ngày thứ Sáu. Các dữ liệu về lạm phát tại Mỹ cũng sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của thị trường. Bên cạnh đó, diễn biến chiến sự tại Ukraine và giá dầu thế giới cũng sẽ là những yếu tố định hình tâm lý thị trường trong tuần giao dịch cuối cùng của quý đầu năm.

  1. Bảng lương phi nông nghiệp tại Mỹ

Bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 3, dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu, sẽ giúp thị trường biết được liệu lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) là quá mạnh, hay vẫn chưa đủ mức quyết liệt.

Các chuyên gia kinh tế dự báo, nền kinh tế số một thế giới sẽ có thêm 475 nghìn việc làm mới trong tháng 3, chậm hơn đáng kể so với mức 678 nghìn việc làm mới được tạo ra trong tháng 2. Mức thu nhập bình quân theo giờ được dự báo sẽ tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ giảm xuống 3,7%.

Các tín hiệu tích cực từ thị trường lao động sẽ là động lực để FED có thể áp dụng các biện pháp tăng lãi suất mạnh tay hơn, nhằm kiềm chế lạm phát đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Trước đó, hôm 16/3, FED đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm %, và kể từ đó tới nay, chủ tịch FED Jerome Powell đã vài lần tuyên bố rằng, cơ quan này sẵn sàng tăng lãi suất với mức 0,5 điểm % nếu cần thiết, ngay cả khi điều này có thể gây ra suy thoái kinh tế.

  1. Dữ liệu lạm phát tại Mỹ

Mỹ dự kiến sẽ công bố số liệu về thu nhập và chi tiêu cá nhân trong ngày thứ Năm. Các báo cáo này bao gồm cả dữ liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát ưa thích của FED.

Các nhà kinh tế dự báo, chỉ số PCE cốt lõi sẽ đạt mức tăng hàng năm là 5,5% – cao hơn mục tiêu lạm phát 2% của FED.

Bên cạnh đó, các số liệu về niềm tin người tiêu dùng, cơ hội việc làm, mức tuyển dụng của khu vực kinh tế tư nhân, số đơn đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp và chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất cũng sẽ nhận được nhiều sự quan tâm từ giới đầu tư.

Ngoài ra, các bài phát biểu của giới lãnh đạo FED, bao gồm Chủ tịch FED chi nhánh New York John Williams, chủ tịch FED chi nhánh Philadelphia Patrick Harker, chủ tịch FED chi nhánh Atlanta Raphael Bostic và chủ tịch FED chi nhánh Richmond Thomas Barkin cũng sẽ là những thông tin nhận được nhiều sự chú ý.

  1. Giá dầu thế giới

Giá dầu thế giới đã ghi nhận mức tăng mạnh trong 3 tuần qua, với dầu Brent tăng hơn 11,5% và dầu WTI tăng 8,8%. Tính chung từ đầu năm đến nay, giá dầu đã tăng đột biến hơn 50%, trong bối cảnh các nước phương Tây đang áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga – quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới.

Việc giá dầu tăng đã thúc đẩy kỳ vọng lạm phát, chôn vùi hy vọng của các ngân hàng trung ương toàn cầu về việc tình trạng lạm phát cao do tác động từ các gói kích thích kinh tế thời đại dịch sẽ chỉ mang tính tạm thời.

Hôm 21/3, ông Jerome Powell cho biết, nền kinh tế Mỹ có thể chống chọi với cú sốc dầu hiện nay tốt hơn so với thập niên 1970, bởi lẽ Mỹ hiện đang là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo FED vẫn tỏ ra thận trọng khi đưa ra những cảnh báo về lạm phát.

  1. Thị trường chứng khoán Mỹ

3 chỉ số chính của Phố Wall đã kết thúc tuần giao dịch trước với những kết quả khả quan. Chỉ số Nasdaq và S&P 500 lần lượt tăng 2% và 1,8%, trong khi chỉ số Dow Jones tăng nhẹ 0,3%.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng vọt trong ngày 25/3, trong đó lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất trong gần 3 năm qua. Đà tăng giá này diễn ra trong bối cảnh thị trường vẫn đang vật lộn với lạm phát cao, và FED có thể dễ dàng châm ngòi cho một cuộc suy thoái bằng cách mạnh tay thắt chặt chính sách.

Chuyên gia Keith Buchanan – giám đốc danh mục đầu tư tại Globalt Investments ở Atlanta chia sẻ với Reuters rằng, thị trường chứng khoán đang được định giá trong một môi trường có tỷ giá cao hơn. Điều này đang khiến cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng tốt hơn, đồng thời “gây thêm áp lực lên các yếu tố rủi ro hơn của thị trường, chẳng hạn như cổ phiếu tăng trưởng.”

  1. Lạm phát tại Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone)

Eurozone dự kiến sẽ công bố dữ liệu lạm phát vào thứ Sáu. Các chuyên gia kinh tế dự báo, chỉ số CPI của khu vực sẽ đạt mức cao kỷ lục mới là 6,5% trong bối cảnh chi phí năng lượng tăng vọt.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã phát đi tín hiệu về việc không vội tăng lãi suất. Tuy nhiên, với mục tiêu lạm phát là 2%, việc một số quan chức kêu gọi tăng lãi suất từ 1 đến 2 lần trong năm nay, kông phải là điều gì quá ngạc nhiên.
 
Top Bottom