Sự hình thành của thị trường nghìn tỷ - bài 2 | Cộng Đồng Forex Việt | Cộng Đồng Forex Việt

Lớp học căn bản Sự hình thành của thị trường nghìn tỷ - bài 2

Cung cấp các tài liệu và thông tin cho môn học giao dịch forex căn bản nhất

Giao dịch ngoại hối, là hành vi trao đổi tiền pháp định (fiat currencies), được cho là có từ nhiều thế kỷ trước - có từ thời Babylon. Ngày nay, thị trường ngoại hối là một trong những thị trường lớn nhất, thanh khoản nhất và dễ tiếp cận nhất trên thế giới, và được định hình bởi một số sự kiện toàn cầu như Bretton woods và Bản vị vàng.​


Một trong những điều quan trọng nhất đối với các nhà giao dịch ngoại hối thực thụ là hiểu lịch sử giao dịch và các sự kiện lịch sử quan trọng đã hình thành nên thị trường ngoại hối. Các sự kiện tương tự có thể xảy ra một lần nữa dưới các hình thức khác nhau, nhưng tác động của chúng có thể đóng vai trò tương tự. Hãy nhớ đến một định đề cơ bản của Phân tích kỹ thuật: lịch sử luôn có xu hướng lặp lại.
LỊCH SỬ GIAO DỊCH NGOẠI HỐI: Nơi khởi nguồn
Hệ thống hàng đổi hàng là phương thức trao đổi lâu đời nhất và bắt đầu vào năm 6000 TCN, được giới thiệu bởi các bộ lạc Mesopotamia. Theo hệ thống này, hàng được đổi lấy hàng. Hệ thống sau đó đã phát triển và hàng hóa như muối và gia vị trở thành phương tiện trao đổi trung gian phổ biến. Cuối cùng, vào đầu thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, những đồng tiền vàng đầu tiên đã được sản xuất và đóng vai trò như một loại tiền tệ. Chúng có các đặc điểm quan trọng của một loại tiền tệ như có thể dễ dàng mang theo, độ bền, có thể phân chia được, tính đồng nhất, nguồn cung hạn chế và khả năng được chấp nhận bởi phần đông người sử dụng.
Tiền vàng được chấp nhận rộng rãi như một phương tiện trao đổi, nhưng chúng lại khá nặng. Vào những năm 1800, các nước đã áp dụng chế độ bản vị vàng. Bản vị vàng đảm bảo rằng chính phủ sẽ quy đổi tiền giấy lấy vàng dựa trên giá trị tương xứng. Chế độ này hiệu quả cho đến Thế chiến thứ nhất, khi các nước châu Âu phải ngưng chế độ bản vị vàng để in thêm tiền chi trả cho chiến tranh, gây ra tình trạng lạm phát phi mã.
Thị trường ngoại hối dựa trên bản vị vàng diễn ra vào thời điểm này và đầu những năm 1900. Các quốc gia giao dịch với nhau vì có thể chuyển đổi tiền tệ họ nhận được thành vàng. Tuy nhiên, bản vị vàng đã không thể giữ vững trong các cuộc chiến tranh thế giới.
SỰ KIỆN CHÍNH HÌNH THÀNH THỊ TRƯỜNG FOREX
Lịch sử đã chứng kiến những sự kiện lớn có ảnh hưởng lớn đến thị trường ngoại hối. Dưới đây là một số điểm nổi bật:
Hệ thống Bretton Woods 1944 - 1971
Bước chuyển đổi đầu tiên của thị trường ngoại hối, Hệ thống Bretton Woods, diễn ra vào cuối Thế chiến thứ Hai. Hoa Kỳ, Anh và Pháp đã gặp nhau tại Hội nghị Tài chính và tiền tệ của Liên Hợp Quốc ở Bretton Woods để tạo nên một trật tự kinh tế toàn cầu mới. Địa điểm này được chọn vì vào thời điểm đó, Mỹ là quốc gia duy nhất không bị tổn hại bởi chiến tranh. Hầu hết các quốc gia lớn ở châu Âu đều rơi vào tình trạng hỗn loạn. Trên thực tế, Thế chiến II đã biến USD từ một đồng tiền thất bại sau sự cố thị trường chứng khoán năm 1929, trở thành tiền tệ tiêu chuẩn.
Hiệp ước Bretton Woods được thành lập để tạo ra một thị trường ổn định mà qua đó các nền kinh tế toàn cầu có thể tự phục hồi. Theo đó tạo ra một thị trường ngoại hối mà tỷ giá có thể điều chỉnh được. Tỷ giá hối đoái cố định có thể điều chỉnh là một chính sách tỷ giá hối đoái theo đó một loại tiền tệ được cố định cho một loại tiền tệ khác. Trong trường hợp này, các nước ngoài sẽ "cố định" tỷ giá hối đoái của họ với USD. USD được gắn với vàng, bởi vì Mỹ nắm giữ trữ lượng vàng nhiều nhất trên thế giới vào thời điểm đó. Vì vậy, các nước khác sẽ giao dịch bằng USD (đây cũng là cách Đô la Mỹ trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới).
Thỏa thuận Bretton Woods cuối cùng đã không thể cố định vàng với USD vì không có đủ vàng để hỗ trợ lượng USD đang lưu hành, do lượng USD lưu thông tăng lên khi chính phủ tăng cho vay và chi tiêu. Năm 1971, Tổng thống Richard M. Nixon, đã chấm dứt hệ thống Bretton Woods, điều này đã sớm dẫn đến việc đồng bạc xanh được thả nổi tự do so với các ngoại tệ khác.
Sự khởi đầu của hệ thống tỷ giá thả nổi tự do
Sau Hiệp định Bretton Woods là Hiệp định Smithsonian vào tháng 12 năm 1971, Hiệp định này cũng tương tự như Bretton Woods nhưng có biên độ dao động lớn hơn. Hoa Kỳ đã cố định đồng bạc xanh với vàng ở mức $38/ounce, do đó làm giảm giá đồng bạc xanh. Theo thỏa thuận Smithsonian, các đồng tiền khác có thể dao động 2,25% so với USD trong khi USD được neo theo vàng.
Năm 1972, cộng đồng Châu Âu đã cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào USD. Sau đó, European Joint Float được thành lập bởi Tây Đức, Pháp, Ý, Hà Lan, Bỉ và Luxemburg. Cả hai hiệp định đều mắc sai lầm như Hiệp định Bretton Woods và sụp đổ vào năm 1973. Những thất bại này dẫn đến việc chuyển đổi chính thức sang hệ thống tỷ giá thả nổi tự do.
Thỏa ước Plaza
Vào đầu những năm 1980, USD đã tăng giá quá nhiều so với các loại tiền tệ khác. Điều này thực sự gây khó khăn cho xuất khẩu và tài khoản vãng lai, cụ thể đã làm Mỹ thâm hụt lên tới 3,5% GDP. Để ứng phó với tình trạng lạm phát đình trệ xảy ra vào đầu những năm 1980, Paul Volcker đã tăng lãi suất khiến đồng bạc xanh mạnh hơn (và giảm lạm phát), gián tiếp làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp Mỹ trên thị trường xuất khẩu toàn cầu.
Sức mạnh của đồng bạc xanh đã khiến các quốc gia thế giới thứ ba chìm trong nợ nần và đóng cửa các nhà máy vì không thể cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Năm 1985, nhóm G-5, các nền kinh tế hùng mạnh nhất trên thế giới bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Tây Đức và Nhật Bản - đã cử đại diện đến cuộc họp được cho là bí mật tại khách sạn Plaza ở thành phố New York. Tin tức về cuộc họp bị rò rỉ, buộc G-5 phải đưa ra một tuyên bố khuyến khích sự tăng giá của các đồng tiền không phải USD. Điều này được gọi là "Thỏa ước Plaza" và những tiếng vang của nó đã gây ra sự sụt giảm nghiêm trọng cho đồng bạc xanh.
Không mất nhiều thời gian để các traders nhận ra tiềm năng lợi nhuận trên thị trường ngoại hối. Ngay cả khi có sự can thiệp của chính phủ, vẫn luôn có mức độ biến động mạnh và ở đâu có biến động, ở đó có lợi nhuận. Điều này đã trở nên rõ ràng sau hơn một thập kỷ kể từ khi Bretton Woods sụp đổ.
Sự hình thành của đồng Euro
Sau Thế chiến thứ hai, châu Âu đã tạo ra nhiều hiệp ước nhằm đưa các quốc gia trong khu vực đến gần nhau hơn. Không có hiệp ước nào lớn và mạnh mẽ hơn hiệp ước năm 1992, hay còn được gọi là Hiệp ước Maastricht, đặt tên theo một thành phố của Hà Lan nơi tổ chức hội nghị. Hiệp ước đã thành lập Liên minh Châu Âu (EU), dẫn đến việc tạo ra đồng tiền chung Euro và tạo nên một tổng thể gắn kết bao gồm các sáng kiến về chính sách đối ngoại và an ninh. Hiệp ước đã được sửa đổi nhiều lần, nhưng sự hình thành của đồng Euro đã mang lại cho các ngân hàng và doanh nghiệp châu Âu lợi ích rõ rệt trong việc loại bỏ rủi ro tỷ giá hối đoái trong một nền kinh tế toàn cầu hóa.
Giao dịch qua Internet
Trong những năm 1990, thị trường tiền tệ phát triển phức tạp hơn và nhanh hơn bao giờ hết. Tiền tệ - và cách mọi người nhìn nhận cũng như cách sử dụng nó - đang thay đổi. Một người ngồi ở nhà có thể thấy một mức giá chính xác mà chỉ vài năm trước đó cần trự trợ giúp của một đội traders, môi giới và điện thoại. Những tiến bộ này xuất hiện trong thời kỳ mà những chia rẽ trước đây nhường chỗ cho chủ nghĩa tư bản và toàn cầu hóa (Bức tường Berlin và Liên Xô sụp đổ).
Đối với forex, mọi thứ đã thay đổi. Các loại tiền tệ trước đây đã bị đóng cửa do các hệ thống chính trị độc tài nay đã có thể được giao dịch. Các thị trường mới nổi, chẳng hạn như ở Đông Nam Á, đang phát triển mạnh mẽ và trở thành nơi thu hút dòng vốn đầu tư và đầu cơ tiền tệ.
Lịch sử thị trường ngoại hối kể từ năm 1944 là một ví dụ điển hình về cách thức một thị trường tự do đang hoạt động. Thị trường thanh khoản cao, mức chênh lệch spread đã giảm đáng kể với sự gia tăng cạnh tranh của các nhà tạo lập và môi giới. Các cá nhân giao dịch số lượng lớn có quyền truy cập vào cùng một mạng thông tin về giá được các ngân hàng và thương nhân quốc tế tạo lập.
GIAO DỊCH NGOẠI HỐI HIỆN NAY VÀ TƯƠNG LAI
Ngày nay, thị trường ngoại hối là thị trường lớn nhất trên thế giới với hơn 6.6 nghìn tỷ đô la được giao dịch trên thị trường ngoại hối hàng ngày. Thị trường ngoại hối bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bất định và luôn thay đổi, dẫn đến những cơ hội luôn tồn dành cho các trader.
 

Đính kèm

  • tải xuống.jfif
    5.9 KB · Lượt xem: 0
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Top Bottom