Tâm lý học đám đông | Cộng Đồng Forex Việt | Cộng Đồng Forex Việt

Chia sẻ Tâm lý học đám đông

Tâm Lý Học Đám Đông PDF​

  • Tác giả: Gustave Le Bon
  • Sinh ngày 7 tháng 5, 1841 Nogent-le-Rotrou, Pháp.
  • Mất ngày 13 tháng 12, 1931 Marnes-la-Coquette, Pháp.
  • Tốt nghiệp tại Đại học Paris.
  • Một nhà tâm lý xã hội học rất nổi tiếng.

Tâm Lý Học Đám Đông​

Tâm Lý Học Đám Đông là một trong những trước tác kinh điển của thế giới và cũng là tác phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp khoa học đồ sộ trải rộng trên nhiều lĩnh vực của Gustave Le Bon.

Tâm Lý Học Đám Đông vẫn luôn được quan tâm nghiên cứu, và đặc biệt, ngày càng tỏ rõ giá trị vượt thời gian.

Có lẽ sẽ thật khó khăn cho chúng ta, vào thời đại đã biết quá nhiều về dư luận và đám đông, kiên nhẫn lần theo từng dòng lập luận vừa đơn giản vừa sâu sắc của Gustave Le Bon. Nhưng nếu có thể làm thế, chúng ta sẽ nhận được một món quà vô giá của một trí tuệ hàng đầu châu Âu thuở ấy và có thể là cả bây giờ.

Trong kiệt tác sáng rõ và sinh động này, Gustave Le Bon soi sáng những hoạt động vô thức – phi lý trí của các suy nghĩ tập thể cùng cảm xúc đám đông, qua đó đặt tư tưởng của đám đông đối nghịch với tư duy tự do và lý trí độc lập của cá nhân. Ông chỉ ra bằng cách nào hành vi của một cá nhân lại có tác động đến đám đông.

Có rất nhiều sự thật được gợi mở nếu ta thấy hiểu về tâm lý đám đông, như Gustave Le Bon khẳng định : “Kiến thức về ngành khoa học này soi rọi rất nhiều hiện tượng lịch sử và kinh tế, mà nếu thiếu thì những hiện tượng đó sẽ hoàn toàn không thể hiểu được.”

Theo Gustave Le Bon, những đám đông luôn bị vô thức tác động, họ xử sự như người nguyên thủy, người dã man, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng; họ không kiên định, thất thường, và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất.

Vả lại, do thể tạng của mình, những đám đông ấy cần có một thủ lĩnh, một người cầm đầu, kẻ có thể dẫn dắt họ và cho bản năng của họ một ý nghĩa. “Những người cầm đầu hiện nay càng có khuynh hướng thay thế quyền lực công thì quyền lực công càng bị chất vấn và suy yếu đi. Sự bạo ngược của những ông chủ mới này làm đám đông ngoan ngoãn vâng lời họ hơn cả khi họ đã từng vâng lời chính quyền’’.

Vậy nên, thời hiện đại được định tính bằng sự lên ngôi của những đám đông được người cầm đầu dẫn dắt. Và trong thời đại hỗn loạn và lo âu ấy, bằng việc đánh mất lí tưởng của mình, chủng tộc đã đánh mất tâm hồn mình và lại trở thành đám đông. ”Nền văn minh chẳng có sự cố định nào, bị phó mặc cho mọi ngẫu nhiên. Bọn tiện nhân thành bà hoàng và những kẻ dã man tiến lên”

Ngày nay, lí thuyết của Gustave Le Bon vẫn chịu một số chỉ trích. Ông được coi là người đặt nền móng cho chủ nghĩa quốc gia hiện đại. Nhưng dù thế nào đi nữa thì Gustave Le Bon cũng chỉ là “con đẻ” của thời đại ông. Nỗi lo sợ về nạn bạo lực, sự hoành hành, khủng bố của những đám đông thể hiện rất rõ trong lí thuyết của ông. Ông dường như đã quá phóng đại về nguy cơ bạo lực và sự vô lí của đám đông. Tuy vậy, cuốn sách này thực sự là tác phẩm quan trọng và có ảnh hưởng lớn tới tư tưởng thời đại của Gustave Le Bon nói chung cũng như tâm lí học hiện đại nói riêng.

Dù tán thành hay phản đối, dù đôi chỗ Gustave Le Bon có phần cực đoan, và những quan điểm, luận thuyết của ông còn phải tranh luận. Nhưng việc xem xét, tìm hiểu nhiều học thuyết trên thế giới, thậm chí trái ngược, mâu thuẫn với nhau thiết nghĩ là điều rất hữu ích, làm đa dạng hóa và phong phú thêm tri thức của chúng ta.

Một số tác phẩm nổi tiếng khác của Gustave Le Bon là: Quy luật tâm lí về sự tiến hóa của các dân tộc (1894), Cách mạng Pháp và tâm lí học về các cuộc cách mạng (1912), Tâm lí học về chủ nghĩa xã hội (1898), Bài học tâm lí từ cuộc chiến tranh châu Âu (1915), Tâm lí học thời đại mới (1920) và Một thế giới mất cân bằng (1924)…
nguồn: sinvest.vn
 

Đính kèm

  • Tâm Lý Học Đám Đông PDF.pdf
    977.6 KB · Lượt xem: 13
Top Bottom