Phân tích kỹ thuật - bài 14 | Cộng Đồng Forex Việt | Cộng Đồng Forex Việt

Lớp học căn bản Phân tích kỹ thuật - bài 14

Cung cấp các tài liệu và thông tin cho môn học giao dịch forex căn bản nhất

Phân tích kỹ thuật là gì? là một câu hỏi rất cơ bản với một NĐT mới. PTKT và phân tích cơ bản là hai công cụ chủ chốt được sử dụng để phân tích chứng khoán. Phân tích cơ bản liên quan đến phân tích báo cáo tài chính của công ty để xác định giá trị hợp lý của doanh nghiệp. Trong khi đó, phân tích kỹ thuật giả định rằng giá chứng khoán đã phản ánh tất cả thông tin và tập trung vào phân tích biến động giá và khối lượng đã diễn ra trong quá khứ và hiện tại. Trong các phần dưới chúng tôi sẽ giới thiệu những vấn đề cơ bản nhất, tổng quan nhất về phân tích kỹ thuật.

Phân tích kỹ thuật phân tích cung và cầu trên thị trường để xác định xu hướng giá đang hướng đến đâu. Nói cách khác, phân tích kỹ thuật cố gắng hiểu được tâm lý thị trường đằng sau xu hướng giá hơn là phân tích các thuộc tính cơ bản của chứng khoán. Nếu bạn hiểu những lợi íchhạn chế của phân tích kỹ thuật, nó có thể cung cấp cho bạn một bộ công cụ rất hữu ích trong quá trình đầu tư chứng khoán.

Nhà PTKT sử dụng biểu đồ và các công cụ khác để phân tích và dự báo xu hướng của giá trong tương lai. Có nhiều hình thức phân tích kỹ thuật khác nhau: Một số dựa vào các mẫu biểu đồ, một số khác sử dụng các chỉ báo kỹ thuật và dao động, và hầu hết sử dụng kết hợp chúng với nhau. Các nhà phân tích kỹ thuật quan tâm đến dữ liệu giao dịch trong quá khứ và thông tin nào có thể cung cấp về biến động giá trong tương lai.

Các giả định cơ bản trong phân tích kỹ thuật

Phân tích kỹ thuật dựa trên ba giả định:

  • Biến động giá phản ánh tất cả.
  • Giá di chuyển theo xu thế.
  • Lịch sử có xu hướng lặp lại chính nó.
Biến động giá phản ánh tất cả

Nhiều chuyên gia chỉ trích phân tích kỹ thuật vì nó chỉ xem xét chuyển động giá và bỏ qua các yếu tố cơ bản. Nhưng nhà phân tích kỹ thuật tin rằng tất cả mọi thứ từ cơ bản của công ty đến tâm lý thị trường đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Điều này loại bỏ sự cần thiết phải xem xét các yếu tố riêng biệt trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Điều duy nhất còn lại là phân tích các biến động giá, phân tích cung và cầu của một cổ phiếu cụ thể trên thị trường.

Giá di chuyển theo xu hướng

Xu hướng là khái niệm vô cùng quan trọng trong Phân tích kỹ thuật do đó cần hiểu kĩ về giả định này trước khi muốn tìm hiểu sâu thêm về nó. Mục đích của việc xác lập đồ thị mô tả những biến động của giá là nhằm xác định được sớm những xu hướng giá. Từ đó sẽ tham gia giao dịch trên cơ sở những xu hướng giá này.

Trên thực tế, những diễn biến giá đều mang tính lặp lại. Như vậy, mục đích của Phân tích kỹ thuật là xác định sự lặp lại của những dạng biến động của giá trong quá khứ. Từ đó có thể tận dụng kinh nghiệm và đưa ra những quyết định phù hợp.

Xu hướng giá được phân thành xu hướng ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Lịch sử có xu hướng lặp lại chính nó

Các nhà phân tích kỹ thuật tin rằng lịch sử có xu hướng lặp lại chính nó. Bản chất lặp đi lặp lại của biến động giá thường được quy cho tâm lý thị trường, dựa trên những cảm xúc như sợ hãi hay phấn khích.

Phân tích kỹ thuật sử dụng các mô hình biểu đồ để phân tích những cảm xúc này. Có những mô hình có xác suất lặp lại nhiều lần. Những mô hình này đã được khẳng định và chứng minh từ nhiều năm qua. Chúng giống như những bức tranh về đồ thị biến động giá. Những bức tranh này chỉ ra tâm lý của thị trường đang là lên giá hay xuống giá. Việc áp dụng những mô hình này đã phát huy hiệu quả trong quá khứ và được giả định rằng sẽ vẫn tiếp tục có hiệu quả trong tương lai. Chúng dựa trên phân tích nghiên cứu tâm lý con người mà tâm lý con người thì thường không thay đổi.

Sự khác nhau giữa phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản

Phân tích kỹ thuậtphân tích cơ bản là hai trường phái tư duy chính khi phân tích thị trường tài chính. Như chúng tôi đã đề cập, phân tích kỹ thuật xem xét diễn biến giá trong quá khứ của chứng khoán và sử dụng dữ liệu này để dự đoán biến động giá trong tương lai. Phân tích cơ bản lại nhìn vào các yếu tố kinh tế và tài chính ảnh hưởng đến một doanh nghiệp. Chúng ta hãy đi sâu hơn vào chi tiết về sự khác biệt trong cách tiếp cận của hai phương pháp này.

Công cụ phân tích

Các nhà phân tích kỹ thuật thường bắt đầu phân tích với các biểu đồ dựa trên các biến động giá và khối lượng. Trong khi đó, các nhà phân tích cơ bản bắt đầu với báo cáo tài chính của công ty.

Các nhà phân tích cơ bản cố gắng xác định giá trị của công ty bằng cách phân tích báo cáo kết quả kinh doanh, bảng cân đối kế toán và báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Về mặt tài chính, nhà phân tích cơ bản cố gắng đo lường giá trị nội tại của công ty bằng cách triết khấu các luồng thu nhập dự kiến trong tương lai thành giá trị hiện tại ròng. Giá cổ phiếu giao dịch dưới giá trị nội tại của công ty được coi là cơ hội đầu tư tốt và ngược lại.

Các nhà phân tích kỹ thuật tin rằng không có lý do gì để phân tích báo cáo tài chính của công ty vì giá cổ phiếu đã bao gồm tất cả các thông tin liên quan. Thay vào đó, các nhà phân tích tập trung vào việc phân tích các biểu đồ chứng khoán để tìm ra xu hướng vận động của giá.

Độ dài thời gian

Phân tích cơ bản có một cách tiếp cận dài hạn so với cách tiếp cận ngắn hạn được thực hiện bởi phân tích kỹ thuật. Trong khi biểu đồ chứng khoán có thể được xem xét trong ngày, tuần, tháng hoặc thậm chí vài phút, phân tích cơ bản thường xem xét dữ liệu qua nhiều quý hoặc nhiều năm.

Các NĐT tập trung vào cơ bản thường chờ đợi một thời gian dài trước khi giá trị nội tại của công ty được phản ánh trên thị trường. Ví dụ, các NĐT giá trị cho rằng thị trường đang đánh giá sai một chứng khoán trong ngắn hạn, nhưng giá cổ phiếu sẽ tự điều chỉnh trong dài hạn. Họ sẽ mua khi thị giá bên dưới giá trị nội tại và bán khi thị giá cao hơn giá trị nội tại của cổ phiếu.

NĐT tập trung vào cơ bản cũng dựa vào báo cáo tài chính được nộp hàng quý, do đó sự thay đổi của lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu không xuất hiện hàng ngày như thông tin về giá và khối lượng. Một công ty không thể thực hiện các thay đổi sâu rộng qua 1 đêm và cần có thời gian dài để tạo ra sản phẩm mới, chiến dịch tiếp thị và các chiến lược khác để cải thiện doanh nghiệp. Do đó, nhà phân tích cơ bản sử dụng một khung thời gian dài. Và như vậy dữ liệu họ sử dụng để phân tích một cổ phiếu được tạo ra chậm hơn nhiều so với PTKT.

Sự linh hoạt

Một trong những thế mạnh lớn của Phân tích kỹ thuật là sự hữu dụng của nó trong bất kì phương thức giao dịch nào và vào với bất kì khoảng thời gian giao dịch nào. Không có một phần nào trong giao dịch chứng khoán hay chứng khoán phái sinh mà Phân tích kỹ thuật không thể áp dụng được.

Một nhà phân tích đồ thị có thể sử dụng đồ thị trong bất kì thị trường tùy thích như: Thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ, thị trường vàng, thị trường hàng hóa…nhưng điều này là không thể với một người sử dụng phân tích cơ bản. Điều này là do với mỗi thị trường một người áp dụng Phân tích cơ bản sẽ phải xử lý một khối lượng dữ liệu khổng lồ. Nó cũng nói lên tại sao một người Phân tích cơ bản chỉ có thể chuyên vào một hay một nhóm nhỏ chứng khoán nhất định.

Mỗi thị trường đều phải trải qua những thời kỳ thị trường biến động mạnh và những thời kỳ trầm lắng. Có những giai đoạn mà giá biến động theo những xu thế rõ ràng và những giai đoạn mà xu thế của giá rất mờ nhạt thậm chí là không có một xu thế cụ thể nào. Khi đó những nhà Phân tích kỹ thuật có thể tập trung sự quan tâm của mình vào những thị trường có xu thế vận động rõ ràng. Họ có thể bỏ qua những thị trường kia. Điều này có nghĩa là họ có thể linh hoạt chuyển hướng đầu tư để tận dụng tính luân phiên tự nhiên của các thị trường.

Những ưu và khuyết điểm của Phân tích kỹ thuật

Ưu điểm

  • Phân tích kỹ thuật không yêu cầu nhiều kỹ năng và dữ liệu vì nó chỉ quan tâm đến giá và khối lượng giao dịch, từ đó có thể xây dựng nên biểu đồ và các mô hình để ra quyết định.
  • Ngày nay với sự phát triển của công nghệ thông tin và sự phát triển của các phần mềm giao dịch trực tuyến giúp cho các nhà phân tích không phải tính toán mà được tự động hóa dựa trên các số liệu giao dịch.
  • Phân tích kỹ thuật sẽ giúp bạn kiểm soát được những áp lực tâm lý bởi việc dự đoán diễn biến thị trường một cách khách quan sẽ trở nên dễ dàng hơn bằng cách sử dụng các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự, các chỉ số và các mô hình giá. Khi tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc giao dịch kỹ thuật thì một nhà kinh doanh thường có khả năng chịu được áp lực tâm lý thua lỗ tốt hơn.
Nhược điểm

  • Phân tích kỹ thuật là dựa vào công cụ – công cụ thì chạy theo giá – giá thì chạy theo thị trường. Trên thực tế, nó hoàn toàn dựa vào dữ liệu lịch sử mà lịch sử thì không phải bao giờ cũng lặp lại.
  • Phân tích kỹ thuật nghiên cứu kết quả của một mô hình chứ không nghiên cứu các nguyên nhân tạo ra mô hình đó.
  • Các chỉ số có thể dẫn tới sự hiểu nhầm hoặc hiểu không chính xác trong các tình huống khác nhau trên thị trường. Tình trạng các nhà đầu cơ áp dụng chiến lược giao dịch tương tự nhau nhưng lại thu được kết quả khác xa nhau rất thường xuyên xảy ra. Lý giải cho điều này là do các nhà phân tích kỹ thuật áp dụng mô hình trong các khoảng thời gian khác nhau, các tín hiệu được hiểu khác nhau, và chiến lược kiểm soát rủi ro được áp dụng cũng khác nhau.
  • Quan điểm cá nhân của nhà phân tích cũng có ảnh hưởng đến việc anh ta diễn giải các dữ liệu lịch sử và dữ liệu mới cập nhật như thế nào.
Kết luận

Thường bước phân tích kỹ thuật sẽ là bước sau của phân tích cơ bản. NĐT cần phân tích cơ bản trước để tìm ra một cổ phiếu tốt và hấp dẫn. Bước tiếp theo NĐT sử dụng PTKT để quyết định điểm mua vào và bán ra cổ phiếu của mình. Như vậy, sự kết hợp của hai phương pháp này sẽ dẫn đến một phương pháp đầu tư hoàn chỉnh nhất cho NĐT.
 
Top Bottom