Nguồn cung điện từ mặt trời quá tải, phương án thay thế là gì? TT Việt Nam 16/3 | Cộng Đồng Forex Việt | Cộng Đồng Forex Việt

tin kinh tế Nguồn cung điện từ mặt trời quá tải, phương án thay thế là gì? TT Việt Nam 16/3

  • Thread starter fxpro
  • Ngày gửi
  • Replies 0
  • Views 323
Cập nhật liên tục các thông tin liên quan đến thị trường Forex trong và ngoài nước
© Reuters.

Theo Dong Hai

Investing.com – Thị trường Việt Nam hôm nay thứ Ba 16/3 có một số thông tin như: BĐS khu vực được hưởng lợi gì khi tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương được đưa vào sử dụng, điện gió sẽ là phương án thay thế sau khi cắt giảm sử dụng điện mặt trời và thông tin thế giới mới nhất về một vòng mới trong cuộc chiến từ 2 cường quốc Mỹ-Trung trong lĩnh vực chất bán dẫn… dưới đây là nội dung chi tiết:

1. BĐS khu vực được hưởng lợi khi tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương được đưa vào sử dụng

Ngày 12/3, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay, Ban quản lý dự án Thăng Long đã trình Bộ xem xét báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú. Cách đó một tuần, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã kiến nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng). Đây là 2 cao tốc thuộc dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương. Hai dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú và Tân Phú - Bảo Lộc sẽ giúp phương tiện di chuyển từ Tp. HCM (HM:HCM) đến Đà Lạt chỉ 3 giờ đồng hồ, đây là khoảng cách di chuyển lý tưởng để kết nối và thúc đẩy kinh tế - xã hội của 2 địa phương này. Hai dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn một khoảng 16.408 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước và địa phương là 6.500 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư huy động 9.908 tỷ đồng.

Như vậy, với các tuyến cao tốc này sẽ là lực đẩy rất lớn cho sự phát triển của Lâm Đồng, trong đó thị trường BĐS dự báo sẽ được hưởng lợi rõ nét. Thời gian qua, nhiều NĐT đã vào thị trường Bảo Lộc (Lâm Đồng) để đón đầu xu hướng hạ tầng giao thông. Nhiều Tập đoàn lớn như Hưng Thịnh, Văn Phú, Him Lam, Happy House, Việt Nhật…là những tên tuổi BĐS đã đặt chân đến thị trường này, phát triển các dự án trong tương lai, cho thấy, tiềm năng của thị trường này còn rất lớn.

2. Điện gió sẽ là phương án thay thế sau khi cắt giảm sử dụng điện mặt trời

Thời gian qua, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, đạt được nhiều kết quả tích cực, đã thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo có nhiều tiềm năng ở nước ta. Sự phát triển nhanh với quy mô công suất lớn của các nguồn năng lượng tái tạo tập trung tại một số khu vực miền Trung, miền Nam đã gây ra hiện tượng quá tải cục bộ, quá tải lưới điện truyền tải liên kết miền và hệ thống điện dư thừa công suất phát so với nhu cầu phụ tải trong một số thời điểm, tình huống cụ thể. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu phụ tải điện tăng trưởng thấp, dẫn tới trong một số tình huống trong thời gian thấp điểm của hệ thống như các dịp lễ, tết, ngày cuối tuần hoặc thấp điểm trưa hàng ngày hệ thống điện dư thừa công suất phát so với phụ tải tiêu thụ.

Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tính toán và công bố mức điều tiết giảm công suất huy động của các nhà máy điện, chỉ huy thực hiện, phù hợp với cơ cấu nguồn điện đang phát, công suất truyền tải giữa các vùng/miền, mức dự phòng quay và dự phòng khởi động nhanh cần thiết... tại thời điểm phải điều tiết giảm, tuân thủ theo nguyên tắc rõ ràng, minh bạch, thực hiện đồng đều giữa các loại hình, không phân biệt đó là các loại hình nguồn điện phải có giấy phép hoạt động điện lực hay được miễn trừ.

Ngày 9/2/2021 vừa qua Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 478/QĐ-BCT về việc dịch chuyển giờ phát cao điểm các nhà máy thủy điện nhỏ nhằm tối ưu huy động các nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện. Căn cứ theo các quy định của pháp luật hiện hành, báo cáo của EVN tại Văn bản 386/EVN-TTĐ ngày 22/01/2021 về việc báo cáo, làm rõ kiến nghị của các chủ đầu tư về việc cắt giảm công suất phát của các nhà máy điện gió, điện mặt trời, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi đến các Công ty TNHH Diện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, Công ty cổ phần Điện mặt trời Trung Nam, Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam về việc huy động, điều độ các nhà máy năng lượng tái tạo.

Do vậy, Bộ Công Thương cho rằng, việc cắt giảm các nhà máy năng lượng tái tạo là tình huống bắt buộc trong bối cảnh hệ thống điện quốc gia thừa nguồn và lưới điện quá tải cục bộ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện, việc tiết giảm được EVN/A0 tính toán, thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng cho tất cả các nhà máy mà không phân biệt chủ đầu tư.

3. Thông tin thế giới mới nhất về một vòng mới trong cuộc chiến từ 2 cường quốc Mỹ-Trung trong lĩnh vực chất bán dẫn

Chất bán dẫn, còn được biết đến là chip, là thành phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, an ninh và đổi mới công nghệ. Chip nhỏ hơn tem thư, mỏng hơn tóc người và được cấu thành từ gần 40 tỷ thành phần nhưng ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thế giới lại vượt xa cách mạng Công nghiệp.

Từ điện thoại thông minh, máy tính cá nhân, internet, xe điện, phi cơ, vũ khí siêu thanh, chất bán dẫn có mặt trong hầu hết thiết bị điện, số hóa hàng hóa và dịch vụ. Lực cầu chất bán dẫn đang bùng nổ trong khi ngành này đang đối mặt hàng loạt thách thức và cơ hội. Các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), máy tính lượng tử, internet vạn vật (IoT), kết nối không dây đều đòi hỏi chất bán dẫn hiện đại.

Suốt nhiều thập kỷ, Mỹ là quốc gia dẫn đầu trong ngành bán dẫn, kiểm soát 48% (tương đương 193 tỷ USD) thị phần năm 2020. Theo IC Insights, 8 trong số 15 công ty bán dẫn lớn nhất thế giới có trụ sở tại Mỹ, doanh thu của Intel là cao nhất.

Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu ròng bán dẫn, phụ thuộc đáng kể vào nhà cung ứng nước ngoài, chủ yếu là Mỹ, để đáp ứng nhu cầu công nghệ nội địa. Năm 2020, Trung Quốc nhập khẩu lượng chip trị giá 350 tỷ USD, tăng 14,6% so với năm 2019.

Sự cạnh tranh Mỹ - Trung càng trở nên gay gắt. Dưới thời tổng thống Donald Trump, Mỹ thắt chặt xuất khẩu bán dẫn bằng chính sách cấp phép, đặc biệt là đối với thực thể của Trung Quốc. Căng thẳng trong mối quan hệ giữa 2 quốc gia đã gây không ít ảnh hưởng tiêu cực đến nhóm ngành này, tiêu biểu có thể kể đến là cuộc đối đầu giữa các siêu cường quốc là Taiwan Semiconductor Manufacturing Corporation (TSMC), nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu trong ngành, chiếm 51,5% thị phần đúc và sản xuất chip hiện đại (kích thước 10 nm hoặc nhỏ hơn). TSMC cung ứng cho cả doanh nghiệp Mỹ lẫn Trung Quốc, như Apple (NASDAQ:AAPL), Qualcomm, Broadcom, Xilinx. TSMC cung ứng cho Huawei cho đến tháng 5/2020 rồi dừng bởi Bộ Thương mại Mỹ đưa gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc vào “danh sách đen” vì lý do an ninh.

Ngoài ra, Đài Loan còn là điểm nóng địa chính trị khi chính quyền Trump muốn tăng cường quan hệ Mỹ - Đài Loan, khiến Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự trong khu vực, thách thức quyết tâm của chính quyền kế nhiêm Joe Biden. Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, tuyên bố có thể sử dụng vũ lực nếu cần.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với rủi ro mất đi một đối tác hùng mạnh như Mỹ vì quốc gia này vẫn đang chuyển hướng thuê ngoài, chủ yếu sang châu Á. Hơn nửa sản lượng bán dẫn của Mỹ được sản xuất nội địa nhưng các công ty “phát triển không sản xuất” của Mỹ chỉ chiếm 12% sản lượng của thế giới. Xu hướng sản xuất đang chuyển hướng về châu Á để các công ty có thể giảm chi phí, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tạo ra vùng đệm đủ chịu những cú sốc như Covid-19 hay giảm thiểu tác động từ tranh chấp thương mại.

Một trong những điểm đến đáng chú ý là Việt Nam, với đội ngũ lao động trẻ, ưu đãi về thuế, chi phí nhân công thấp hơn…. Foxconn của Đài Loan năm 2020 thông báo chuyển một phần hoạt động lắp ráp iPad và MacBook sang Việt Nam theo đề nghị từ Apple để giảm thiểu ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ - Trung.

Trong bối cảnh các công ty tìm kiếm thị trường hấp dẫn hơn, Trung Quốc phải tiếp nhận sự thay đổi bối cảnh kinh tế thế giới để duy trì tăng trưởng.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Top Bottom