Bản tin tài chính ngày 16/03/2022 | Cộng Đồng Forex Việt | Cộng Đồng Forex Việt

Chia sẻ Bản tin tài chính ngày 16/03/2022

Tổng hợp tin tức cho ngày 16/03 hãy cùng Investo.vn cập nhật nhanh bản tin thị trường chứng khoán quốc tế ngày hôm nay. Những sự kiện nổi bật nào sẽ được nhắc đến trong ngày giao dịch?

Kinh tế – Chính trị

Bắc Mỹ

Cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ là tâm điểm chú ý của thị trường. FED được dự báo sẽ tăng lãi suất sau khi cuộc họp kết thúc trong ngày 17/3, để ứng phó với lạm phát đang ở mức cao trong vòng 40 năm qua, bất chấp những rủi ro kinh tế từ cuộc xung đột tại Ukraine. Giới chuyên gia dự báo, FED sẽ tiến hành 7 lần tăng lãi suất trong năm nay, với mỗi lần tăng ở mức 0,25 điểm %.

Doanh số bán lẻ tại Mỹ cũng sẽ là một trong những số liệu kinh tế nhận được nhiều sự quan tâm từ giới đầu tư. Dự kiến, doanh số bán lẻ trong tháng 2 của Mỹ chỉ đạt mức tăng hàng tháng là 0,4% – giảm mạnh so với mức tăng 3,8% của tháng 1. Điều này cho thấy, áp lực lạm phát đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng Xứ Cờ hoa.

Tại Canada, áp lực lạm phát sẽ tiếp tục gia tăng trong tháng 2. Cụ thể, tỷ lệ lạm phát được dự báo đạt mức tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhanh hơn mức tăng 5,1% của tháng 1/2022. Tỷ lệ lạm phát cốt lõi (không bao gồm giá lương thực thực phẩm và nhiên liệu) được dự báo tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhanh hơn mức tăng 4,3% của tháng 1. Việc áp lực lạm phát tiếp tục gia tăng, chủ yếu là do đà tăng của giá năng lượng, sẽ khiến nền kinh tế Canada phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới, buộc ngân hàng trung ương nước này phải tiến hành thêm các biện pháp để ứng phó.

Các quốc gia châu Âu

Báo cáo về thị trường dầu mỏ của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) có trụ sở tại Paris, Pháp sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư trong bối cảnh thị trường dầu khí đã liên tục biến động thời gian qua, do tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Châu Á – Thái Bình Dương

Cán cân thương mại của Nhật Bản trong tháng 2 được dự báo sẽ ghi nhận mức thâm hụt là 112,6 tỷ yên, giảm mạnh so với mức 2.191,1 tỷ yên hồi tháng 1. Đây sẽ là tháng thứ 6 liên tiếp, Nhật Bản đối mặt với thâm hụt thương mại. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của tháng 2 đã tăng trưởng mạnh trở lại, dự báo tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa tốc độ 9,6% trong tháng 1. Điều này đã góp phần giúp cán cân thương mại của Nhật Bản trở nên cân bằng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

>> Đọc toàn bộ Tin tức tài chính tại đây!
 
Top Bottom